Thương hiệu 'Chè Thái Nguyên' được bảo hộ tại Mỹ
Tháng 2/2016, nhãn hiệu chè tập thể “ChèThái Nguyên” được cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ cấp văn bằng bảo hộ số 490925, là nhãn hiệu tập thể đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được đăng ký tại nước ngoài.
Cùng xu thế hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, sản phẩm chè Thái Nguyên sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn về sở hữu trí tuệ.
Để đảm bảo thương hiệu chè của mình, năm 2014 tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Mỹ - Trung Quốc - Đài Loan.
Sau 2 năm thì nhãn hiệu chè tập thể Thái Nguyên được bảo hộ tại Mỹ, đây sự kiện có ý nghĩa quan trọng nâng tầm chè Thái Nguyên trên thị trường quốc tế.
Cũng tại Hội thảo nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ Tại Mỹ, ông Nguyễn Hữu Tài, chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cũng chia sẻ những giải pháp khó khăn mà các doanh nghiệp cũng như các HTX chè đang gặp phải khi xuất khẩu tại nước ngoài việc bảo hộ nhãn hiệu là điều vô cùng cần thiết.
Chất lượng chè Thái Nguyên được mệnh danh “đệ nhất danh trà” việc cần làm bây giờ là tổ chức sản xuất quy mô cho phù hợp với các doanh nghiệp, HTX nhằm thúc đẩy được thương hiệu chè ra thị trường quốc tế ngày càng sâu rộng hơn nữa
Hiện nay diện tích chè Thái Nguyên có khoảng hơn 22 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch hơn 18 nghìn ha; năng suất bình quân năm 2016 đạt gần 113 tạ/ ha; sản lượng chè búp tươi đạt hơn 200 nghìn tấn. Hiện có nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 600- 900 triệu đồng/ha/năm
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu, đại diện Sở Công thương Thái Nguyên cũng chia sẻ, thị trường Mỹ có nhu cầu rất lớn đối với chè. Đây là thị trường đứng thứ 3 thế giới về quy mô nhập khẩu và tiêu thụ.
Trung bình hàng năm Mỹ nhập tới 13.000 tấn chè tăng 5-6%. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho chè Việt Nam.
Tuy nhiên Mỹ vốn là thị trường khó tính do yêu cầu về chất lượng cao, đa dạng, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ sử dụng tiêu chuẩn (MRLs) của Châu Âu, ngoài ra nhiều doanh nghiệp cam kết tiến đến chỉ mua hàng của nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn HACCP.
Do vậy mà các doanh nghiệp, cá nhân, tập thể sản xuất chè Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng cần tích cực thay đổi tư duy sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ và các nước trên thế giới.
Theo ông Phạm Tiến Chính - Giám đốc Sở KHCN Thái Nguyên chia sẻ: “Cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” nhiều sản phẩm chè trong địa bàn như La Bằng, Trại Cài, Vô Tranh, Tức Tranh, Chè Phổ Yên cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện nay có khoảng 777 đơn đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh".
Tính đến thời điểm này, qua quá trình thẩm định và ra quyết định cho 14 công ty, 5 doanh nghiệp tư nhân, 17 HTX, CLB, Làng nghề; 3 đại lý chè và 738 hộ gia đình.
Dự kiến cuối năm 2017, thương hiệu “Chè Thái Nguyên” tiếp tục sẽ hoàn thiện để được bảo hộ tại Trung Quốc và Đài Loan.
Nguồn baomoi.com